Phấn đấu xây dựng Nhà máy Z114 trở thành trung tâm cụm công nghiệp quốc phòng phía Nam
Nhà máy Z114 (tên giao dịch là Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí – Hóa chất 14) được thành lập năm 1994. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, đẩy mạnh sản xuất kinh tế, từng bước hội nhập, phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm của cụm công nghiệp quốc phòng (CNQP) phía Nam.
Thực hiện đề án xây dựng cụm CNQP phía Nam theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2000”, ngày 14/12/1994, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định thành lập Nhà máy Z114 thuộc Tổng cục CNQP và Kinh tế (nay là Tổng cục CNQP). Đây là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm và phương án đầu tư của Bộ Quốc phòng. Do vậy, ngay từ khi thành lập, Nhà máy Z114 đã được Bộ Quốc phòng quan tâm điều động một số cán bộ, công nhân của các đơn vị có cùng lĩnh vực hoạt động vào làm nòng cốt, nền tảng để xây dựng đơn vị.
Ngay từ những ngày đầu, mặc dù gặp nhiều khó khăn về công tác đầu tư, nguồn vốn, tổ chức vận chuyển, khai phá xây dựng trên địa bàn hoang hóa, nhiều bom, mìn thời chiến tranh còn sót lại, mưa nắng khắc nghiệt, song, với ý chí và nghị lực cao độ, vì sự phát triển CNQP ở phía Nam Tổ quốc, cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z114 đã tích cực, chủ động, sáng tạo, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, lực lượng công nhân lao động, tuy ở nhiều đơn vị và cương vị khác nhau tập trung về, nhưng tất cả đều có ý thức trách nhiệm cao, kiến thức và kinh nghiệm vững vàng, tâm huyết phục vụ đơn vị. Chính vì vậy, sau khi đi vào hoạt động, mỗi năm, Nhà máy đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm quốc phòng đạt chất lượng tốt, độ ổn định cao, góp phần cân đối năng lực sản xuất quốc phòng trên lãnh thổ (vùng, miền), đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Nhà máy tích cực triển khai thực hiện quy hoạch phân khu chức năng cụm CNQP phía Nam; đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm quốc phòng; triển khai thực hiện dự án và đưa vào sản xuất các sản phẩm kinh tế (thuốc nổ công nghiệp amônit (AD1), thép không gỉ, chế tạo cấu kiện cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi, trồng rừng… góp phần ổn định sản xuất và tạo tiền đề cho bước phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Nhà máy luôn là một tập thể thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, công tác sản xuất quốc phòng của Nhà máy đạt được nhiều kết quả tích cực; tiến độ sản xuất được đảm bảo và an toàn tuyệt đối. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Nhà máy đã thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp phát triển sản xuất; chủ động chuẩn bị đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho sản xuất quốc phòng. Chính vì vậy, từ năm 2014 đến nay, Nhà máy đã sản xuất hoàn chỉnh, nghiệm thu, nhập kho Bộ Quốc phòng nhiều chủng loại sản phẩm quốc phòng đạt chất lượng tốt, được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, Nhà máy tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh tế, tạo bước đột phá, tăng doanh thu, tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động. Nhà máy tích cực huy động các nguồn lực, triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, đổi mới công nghệ hiện đại; nghiên cứu hợp lý hóa các quá trình sản xuất; cải tiến quy trình công nghệ, tính năng hoạt động của thiết bị, nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thị trường, duy trì sản phẩm, khách hàng truyền thống và phát triển các sản phẩm, khách hàng mới; nghiên cứu mở rộng sản xuất các sản phẩm kinh tế giá trị cao. Do đó, giá trị sản xuất kinh tế của Nhà máy năm sau luôn cao hơn năm trước, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Từ năm 2014 đến nay, Nhà máy đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 20.500 tấn thuốc nổ công nghiệp, hơn 100 tấn hợp chất TAT; sản phẩm cơ khí đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. So với năm 2014, năm 2018, giá trị sản xuất của Nhà máy tăng 160,9%; giá trị doanh thu tăng 160,6%; giá trị tăng thêm tăng 131,3%, nộp ngân sách tăng 174,3%; thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Để có được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan các cấp, mà trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã tích cực nghiên cứu, đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đúng, sát với tình hình thực tiễn; cán bộ, công nhân viên, người lao động đoàn kết, nỗ lực cống hiến xây dựng, phát triển đơn vị. Đặc biệt, Đảng ủy, chỉ huy Nhà máy đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn hóa về trình độ, tay nghề theo vị trí công tác; trong đó, đã xây dựng được đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật trẻ, lành nghề làm nòng cốt ở các lĩnh vực chuyên môn. Nhà máy thường xuyên phối hợp với các trường đại học trong và ngoài Quân đội tuyển chọn kỹ sư và kỹ thuật viên cho các chuyên ngành cơ khí, hóa nổ, điện – điện tử; đồng thời, phối hợp với Trường Cao đẳng CNQP tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại để chuyển đổi nghề, cân đối lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề cho cán bộ, công nhân. Đến nay, Nhà máy đã xây dựng được nguồn nhân lực có cơ cấu phù hợp, chất lượng cao; trong đó, 100% cán bộ có trình độ đại học trở lên; số kỹ sư vũ khí, hóa nổ cơ bản đảm bảo đủ cho việc thực hiện nhiệm vụ và đều được đào tạo cơ bản; bậc thợ bình quân của Nhà máy đạt 5/7.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự động hóa từng khâu, chặng, nguyên công trên các dây chuyền sản xuất. Nhà máy khai thác nhiều nguồn vốn để mua sắm, đổi mới dây chuyền, trang – thiết bị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, mở rộng mặt bằng nhà xưởng… Trong những năm qua, Nhà máy đã từng bước đầu tư nhiều máy móc, thiết bị CNC, PLC phục vụ sản xuất; các dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp, chế tạo cấu kiện cơ khí có tính tự động hóa cao… đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. 5 năm qua, Nhà máy đã thực hiện được 11 đề tài, 4 nhiệm vụ cấp cơ sở và trên 200 sáng kiến, sáng chế nhằm hợp lý hóa sản xuất, làm lợi trên 11 tỷ đồng. Do tính chất đặc thù sản xuất quốc phòng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, Nhà máy luôn quan tâm chỉ đạo, làm tốt công tác đảm bảo an toàn trong sản xuất; đồng thời, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân viên; tích cực điều chỉnh, bổ sung mặt bằng nhà xưởng, kho, ụ chắn nổ… đảm bảo an toàn và phù hợp với quy mô phát triển của đơn vị. Nhờ vậy, nhiều năm qua, Nhà máy không để xảy ra cháy nổ, mất an toàn trong sản xuất.
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Nhà máy thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Triển khai thực hiện hiệu quả, có chiều sâu hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; đổi mới nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật; đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt công tác hậu cần, tài chính và từng bước tu sửa doanh trại, chỉnh trang cảnh quan đơn vị, đảm bảo tốt điều kiện làm việc, nơi ăn ở cho cán bộ, công nhân viên; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong đơn vị. Bên cạnh đó, Nhà máy cũng đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân; triển khai tích cực, có hiệu quả phong trào thi đua ‘‘Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới’’; phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội (từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã đóng góp, hỗ trợ địa phương thực hiện công tác chính sách xã hội với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách trên địa bàn…).
Trải qua 25 năm xây dựng, trưởng thành, Nhà máy Z114 đã đạt được nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ, riêng trong 5 năm gần đây, Nhà máy đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (các năm 2016, 2018), Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (năm 2013); Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai (các năm 2014, 2016, 2017, 2018)… Đặc biệt, năm 2019, Nhà máy vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trong thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch phát triển, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nhà máy quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Theo đó, Nhà máy phấn đấu sang năm 2020 có thêm 2-3 sản phẩm mới phục vụ quân sự; triển khai sản xuất và đa dạng hóa các sản phẩm phụ kiện nổ phục vụ dân sự, mở rộng thị phần và hướng tới xuất khẩu thuốc nổ công nghiệp; nâng cao năng lực sản xuất cơ khí, đặc biệt là sản phẩm cơ khí chính xác; tiếp tục hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước sản xuất hóa chất phụ gia cho ngành dệt, nhuộm… và các mặt hàng kinh tế khác. Một trong những mục tiêu chiến lược, xuyên suốt là phấn đấu xây dựng Nhà máy Z114 trở thành trung tâm của cụm CNQP phía Nam; đồng thời xây dựng thương hiệu, uy tín của sản phẩm trên thị trường, tạo sự phát triển bền vững.
Nguồn: Trung tá LÊ VĂN NAM – Giám đốc Nhà máy Z114